Tìm hiểu nguyên nhân gây mốc đen ở quần áo
Quần áo, vải vóc sẽ dễ dàng bị nấm mốc nếu không được sấy khô kịp thời. Nếu bạn đang ở trong tình huống này, đừng vội vứt bỏ chúng đi! Hãy áp dụng ngay các cách tẩy mốc quần áo màu đơn giản dưới đây để loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn khỏi đồ của bạn.
Nấm mốc là gì? Nguyên nhân và ảnh hưởng của vết mốc trên quần áo?
1. Nấm mốc là gì?
Nấm mốc được xem là vi sinh vật thuộc họ nhà nấm và ăn các chất hữu cơ đã chết hoặc đang thối rữa như gỗ, động vật và thực vật chết, đồ ăn để lâu ngày không bảo quản hoặc thậm chí là quần áo bạn đang mặc…
Các vi sinh vật sẽ bám và ăn những nơi quá lâu không được vệ sinh hoặc bảo quản như tường, gỗ, quần áo,…
2. Nguyên nhân gây ra nấm mốc
Bạn chỉ có thể nhìn thấy nấm mốc khi các vi sinh vật sinh sản bằng việc ăn các chất hữu cơ và xuất hiện với số lượng lớn. Tuy nhiên, để tốc độ phát triển nhanh thì nấm mốc cần có những điều kiện thuận lợi về nguồn hữu cơ, oxy và độ ẩm. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng nấm mốc vì độ ẩm càng cao, nấm mốc sẽ loang rộng càng nhanh và làm hỏng các sợi vải như: phơi quần áo không đúng cách, phơi nơi ẩm ướt, không thường xuyên vệ sinh máy giặt, ủ quần áo dơ quá lâu ngày, quần áo phơi bị dính nước mưa… Mốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến áo quần, đồ da, giấy tờ, thảm…
Do đó, để giúp cho quần áo luôn sạch thơm, không có mùi hôi khó chịu, không bị ẩm mốc bạn có cần phải giặt giũ và bảo quần quần áo đúng cách. Nếu chưa biết, bạn có thể tham khảo các cách tẩy mốc quần áo sau đây.
Nấm mốc sẽ xuất hiện khi độ ẩm cao và quần áo không được bảo quản đúng cách
3. Ảnh hưởng của vết mốc trên quần áo
Mặc quần áo bị nhiễm nấm mốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với đồ bị nhiễm mốc có thể gây ra các phản ứng như dị ứng, hen suyễn, biến chứng hô hấp và viêm xoang do dị ứng. Và mặc dù các phản ứng xấu không xuất hiện thường xuyên nhưng bệnh sẽ trở nặng nếu nấm mốc là loại nguy hiểm, thời gian tiếp xúc lâu và có tiền sử bệnh trong quá khứ. Vì vậy, Cleanipedia khuyên bạn hãy tẩy sạch vết mốc ngay để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình.
Nấm mốc gây ra các bệnh như: dị ứng, hen suyễn, biến chứng hô hấp và viêm xoang và sẽ trở nặng nếu tiếp xúc lâu