Sự khác biệt giữa máy giặt công nghiệp chân mềm và chân cứng

Hiện nay, thị trường máy giặt công nghiệp đã phát triển với nhiều loại máy, mỗi loại có kiểu dáng và thiết kế riêng biệt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về sự khác biệt giữa máy giặt công nghiệp chân cứng và chân mềm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về hai loại máy giặt này để giúp bạn có thể chọn lựa một cách chính xác nhất.

1. Máy giặt công nghiệp chân cứng

Các máy giặt công nghiệp chân cứng, hay còn được gọi là máy đế cứng, có lồng giặt được hàn gắn cố định vào khung máy, khung máy thường được thiết kế dạng chữ A hoặc chữ H để đảm bảo độ vững chắc, và không có sử dụng lò xo hoặc hệ thống giảm xóc. Đặc điểm của loại máy này là khi hoạt động, chúng tạo ra độ rung mạnh, do đó khi lắp đặt, máy thường được cố định bằng cách bắt vít vào sàn bê tông. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải đổ bê tông để tạo một nền đặt máy chân cứng trước khi lắp đặt. Trong một số trường hợp, máy cũng có thể được bắt vít vào một tấm thép, sau đó được gắn vít xuống sàn. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi vận hành, máy chân cứng thường chỉ được khuyến khích lắp đặt ở tầng một (hoặc tầng trệt). Trong trường hợp phải lắp đặt ở các tầng cao hơn, cần phải có đội ngũ chuyên môn tiến hành khảo sát và kiểm tra khả năng chịu lực của mặt bằng để đảm bảo máy hoạt động trong điều kiện an toàn và hiệu quả nhất.

Một máy giặt chân cứng thường có lực ly tâm (G-force) dưới mức 150G, tương ứng với tốc độ quay từ 450 đến 650 vòng/phút. Lượng nước còn lại trong quần áo sau khi giặt cũng khá lớn, thường dao động từ 70% đến 80%. Vì vậy, để phù hợp với máy giặt chân cứng, máy sấy thường cần có công suất lớn hơn ít nhất 1,5 lần.

2. Máy giặt công nghiệp chân mềm

Khác với dòng máy chân cứng, máy giặt công nghiệp chân mềm (còn được gọi là máy chân mềm hoặc đế mềm) có lồng giặt được thiết kế ngồi trên hệ thống bóng hơi hoặc được giảm rung chấn bằng hệ thống lò xo, piton ở phía dưới. Loại máy giặt chân mềm cũng có hai loại: loại chân mềm thông thường và loại chân mềm kết hợp với lồng treo (ở phía trên lồng máy được thiết kế thêm nhiều lò xo để tăng thêm khả năng giảm rung chấn khi máy hoạt động). Máy giặt chân mềm đang trở nên phổ biến hơn vì chúng dễ lắp đặt, không cần đổ bê tông hoặc thép. Một máy giặt chân mềm có thể loại bỏ tới 97% rung động, cho phép nó được lắp đặt một cách dễ dàng ở cả những tầng cao mà vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, vì có những thiết kế đặc biệt như vậy, giá thành để sản xuất một chiếc máy giặt chân mềm cao hơn so với máy chân cứng truyền thống.

Với dòng máy chân mềm, rung chấn được giảm đi đáng kể so với máy chân cứng, cho phép máy hoạt động ở tốc độ cao hơn nhiều (trên 800 vòng/phút), tương ứng với lực G-force từ 250 đến 400G. Lượng nước còn lại trong quần áo sau khi giặt cũng ít hơn, khoảng từ 37% đến 45%, giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng khi sấy khô quần áo. Vì thế, máy sấy kết hợp với máy giặt chân mềm thường chỉ cần công suất từ 1 đến 1,2 lần so với máy giặt.